Trong muôn vạn ngành nghề, bất động sản được coi là một ngành nghề mà bất cứ ai cũng muốn hướng tới. Thử hỏi trên thế giới các tỷ phú giàu nhất đều phất lên từ bất động sản như Tổng thống Donald Trump từ những dự án nhỏ trở thành ông trùm bất động sản hay tỷ phú Phạm Nhật Vượng người Việt Nam đầu tiên có tên trong tạp chí Forbes với những thành công từ BĐS.
Cơ bản người làm kinh doanh ở mọi ngành nghề sau cùng cũng nghiên cứu đầu tư bất động sản để tích lũy tài chính, mở rộng kinh doanh. Bởi thế ngành nghề mà tất cả mọi người tìm đến đó chính là nghề môi giới bất động sản.
“Cò” hay môi giới?
Nghề Bất động sản người ta hay gọi là môi giới hay một số người ít am hiểm hơn người ta lại bảo là cò đất (nghe quá rẻ tiền)… và chắc hẳn ai đã từng bước chân vào nghề môi giới BĐS đều có vô vàng cảm xúc. Vậy bao nhiêu người đi được trên con đường bất động sản và bao nhiêu người tìm được đích đến.
Cùng một công việc, nhưng nhiều đích đến khác nhau, ngành nghề có sự thanh lọc cao nhất trong tất cả các ngành nghề, ai cũng có thể làm được, mọi độ tuổi mọi tầng lớp nhưng mấy ai tìm được đích đến.
Chị H, một môi giới tại Đà Lạt chia sẻ: “Tết về mình đi thăm họ hàng, và quá quen thuộc những câu hỏi bao giờ lấy chồng, làm công việc gì? Lương tháng bao nhiêu? Là những câu hỏi muôn thuở. Khi được hỏi chị bảo đang làm Sale Bất Động Sản… thế là một tràng các câu hỏi, phán xét được đưa ra. À, Cò đất ha con, cái này ai làm chẳng được, đi làm công ty làm chi…Làm nghề này chắc nhanh giàu lắm hả con? Lương tháng chắc cả trăm triệu nhỉ? Ráng kiếm anh đại gia đi nha! Làm cái này nhiều cám dỗ lắm, cẩn thận hư hỏng!”.
Mỗi lần nghe đến vậy chị H chỉ biết cười trừ. Thôi thì đã lỡ chọn nghề rồi, thì cứ làm thôi. Những câu nói nghĩ là hỏi thăm, quan tâm của gia đình, bạn bè đôi khi lại làm nhói lòng những người như chị H, cũng như những người đang làm Sale BĐS.
Vậy bao nhiêu người có thể biết được giá trị của nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam? Câu trả lời là cả một ẩn số vì đâu ai hiểu được hết, phân định rõ ràng đường ranh giới giữa cò đất và môi giới bất động sản.
Ai cũng có thể làm bất động sản…
Vâng chính là như vậy, ai cũng có thể làm người giới thiệu, là cầu nối để mua bán đất nhưng với cá nhân tôi để trở thành một môi giới bất động sản chuyên nghiệp, chân chính và tử tế không phải là chuyện dễ dàng. Sau tất cả các ngành nghề thì Bất động sản là ngành đòi hỏi kiến thức tổng hợp nhiều nhất, kĩ năng giao tiếp, kiến thức chuyên ngành chưa nói lên được điều gì mà còn là kiến thức ở các lĩnh vực ngành nghề, kiến thức về các khía cạnh văn hóa nghệ thuật, sự trải nghiệm mà hơn hẳn đó là duyên.
T đang làm cho một công ty môi giới BĐS chuyên bán căn hộ, dự án chia sẻ: “Cái duyên đưa mình đến nghề rất dễ dàng, qua bạn bè giới thiệu mình tìm đến công việc và hi vọng thử sức, vào lúc tương đối trẻ, chưa có bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm, nhìn mấy anh chị đi trước thấy sang trọng, lịch sự, hằng ngày mặc vest đi trong các tòa cao ốc, được tiếp xúc với toàn khách hàng thượng lưu…
Nhưng đúng thật chẳng ai cho không ai điều gì, và chẳng có đồng tiền chân chính nào kiếm ra một cách dễ dàng. Và kiến thức tổng hợp là điều mình không thể phủ nhận. không biết duyên may như thế nào mình đã từng chốt một hợp đồng 3 tỷ chỉ nhờ một ly rượu vang. Bởi lẽ vị khách của mình rất thích vang. Vô tình thời còn là sinh viên mình có làm thêm ở một công ty rượu vang và có chút kiến thức cơ bản, thế là vị khách thích thú khi nói chuyện với mình. Ngoài sự nhiệt tình, kiến thức mình có thì thật sự đó là điều may mắn. Cho nên với mình ngành này mỗi ngày là mỗi điều mới, và phải không ngừng học hỏi.”
Môi giới bất động sản là một nghề được pháp luật công nhận và có chứng chỉ nghề nghiệp riêng. Tháng 12/2011, hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam chính thức được thành lập. Trước đây, người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS chỉ cần học qua một lớp đào tạo cơ bản rất ngắn, sau đó nộp đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố.
Nhưng nay người dự thi sát hạch phải thi bắt buộc các nội dung như kiến thức cơ sở, bao gồm pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS, thị trường BĐS, đầu tư BĐS, phòng chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS và các phần kiến thức chuyên môn mới được cấp chứng chỉ hành nghề (theo Thông tư 11/2015/TT – BXD).
Ngoài ra bạn còn phải có kiến thức chuyên môn chắc, kiến thức tổng hợp tốt, kĩ năng giao tiếp, đàm phán khéo.
Trên hết tất cả chữ “Duyên” đóng vai trò cực kì quan trọng trong ngành nghề hot nhất hiện nay. Rất nhiều người tìm đến nhưng bao nhiêu người trụ lại được. Có người cày cuốc, tìm đủ mọi cách, ngày qua ngày cố gắng nhưng chẳng chốt sale được sản phẩm nào. Có người mới chập chững vào nghề, vô tình gặp được khách tìm năng thế là chốt.
Phía sau hào quang!
Nghề làm dâu trăm họ, nghề trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc: sáng vui trưa cười tối lại khóc là chuyện hết sức rất bình thường. Có nhiều câu chuyện nghe dở khóc dở cười. Cơ hội càng cao, rủi ro càng nhiều. Mấy ai cho được sự tôn trọng và biết ơn.
L hiện là Sale BĐS ở Nha Trang chia sẻ: ” Nhớ ngày đầu vào nghề, quả thật là một nỗi ám ảnh, hai mấy tuổi đời lấy đâu ra mối quan hệ tốt để mua bán nhà đất, thế là mấy tháng trời thử việc mình cứ ngồi trong văn phòng, gọi hết data này đến data khác với hi vọng tìm kiếm ra được khách hàng tìm năng. Nhưng đâu biết những cuộc điện thoại làm mình đỏ mặt tía tai, có cuộc điện thoại lúc đó xong mà nước mắt mình rưng rưng, Vì khi đó còn trẻ không biết ứng xử sao, cứ gọi đến có những khách lịch sự từ chối, tệ hơn là cúp máy ngang, nhưng có trường hợp lại chửi xối xả, có khi lôi cả ba mẹ ông bà ra nói.
Đúng như vậy, để mặc một bộ vest, xịt nước hoa, chải chuốt bóng loáng cằm cặp táp đi giới thiệu sản phẩm cũng được gọi là Môi giới BĐS. Không hề đơn giản như bạn nghĩ, để sắm được một bộ vest thì cực kì vất vả, đến khi trong túi, xăng cũng không có tiền đổ, nhiều ngày nhịn tiền mời khách cà phê tối về lại mì gói. Như Q – hiện đã đã từng làm môi giới 2 năm và nay đã trở lại về ngành thiết kế. Tối tối thay vì nghỉ ngơi, nếu khách hàng gọi cũng bật dậy tư vấn vì sợ nếu để qua hôm sau thì khách sẽ đi tìm môi giới khác. Có những thời điểm gần chốt sale, đứng ngồi chẳng yên, chắc chắn ai đang và đã làm nghề môi giới đều trải qua cái cảm giác lo lắng, hồi hộp trước khi giao dịch. Nhất là những người mới vào nghề.
Nhiệt tình, dễ thương, thật thà chắc khó mà sống nổi trong nghề này. Môi giới BĐS tên D tại Đà Lạt kể: ” Có những mùa Đà Lạt mưa dai dẳng, khách hàng thì lại ở Sài Gòn lên, thế là lỡ hẹn và khách muốn đi bản thân mình làm dịch vụ cũng phải đưa khách đi thôi. Hi vọng biết đâu mình nhiệt tình thế khách lại thương mà mua cho. 2 ngày ròng rã đi khắp quanh thành phố, lọc hết các sản phẩm để đưa đi. Nhưng rồi sau khi đó lại biệt tích không để lại lời nào.
Muôn hình vạn trạng các tình huống xảy ra, lắm khi vui thở phào sau khi chốt được giao dịch, có khi lại nuối tiếc vì sơ xuất nào đó mà hụt mất giao dịch. Phía sau ánh đèn, bao nỗi cực nhọc vất vả, có những nỗi niềm chẳng biết chia sẻ cùng ai.
Đi rồi bao giờ mới đến…
Câu hỏi mà ai bước vào nghề cũng đặt ra và mong tìm được câu trả lời. Để làm cò thì dễ nhưng để làm một môi giới tử tế không phải là chuyện dễ dàng.
Ngành nghề nào cũng có sự khó khăn, vất vả, hơn hết ngành nghề nào chân chính, lương thiện từ mồ hôi công sức cũng rất cần được sự tôn trọng, yêu thương. Tiền là quan trọng nhưng chưa hẳn là tất cả, đôi khi niềm vui nhất của người làm BĐS không phải là những đồng phí mô giới, là sự trân trọng và được công nhận.
Như ông Donald Trump đã nói : ” Mua nhà mà không có sự giúp đỡ của môi giới chẳng khác nào nói chuyện thuốc men mà không cần bác sĩ, đâm đơn kiện mà không có luật sư.”
Vâng vậy nên xin đừng gọi tôi – những người làm bất động sản chân chính là Cò.