Bình Thuận trở lại gần đây bỗng nổi lên là điểm đến mới nhờ đổ bộ hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn, nhất là khu vực trải dọc bãi biển Phan Thiết và Mũi Né.
Bình Thuận được các chuyên gia trong nghành đánh là có nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển loại hình bất động sản du lịch, bởi có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, con người và đặc biệt là thời điểm hiện tại Bình Thuận có nhiều lợi thế để bứt phá.
Trong đó, một trong những yếu tố tạo nên điểm nóng hút giới đầu tư cũng như các doanh nghiệp địa ốc đổ xô vào Bình Thuận phát triển dự án BĐS du lịch đó là các thông tin về việc phát triển hạ tầng giao thông của địa phương này.
Cao tốc Bắc Nam đi qua Bình Thuận với chiều dài 160 km, vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng cũng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Trong đó dự án thành phần cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có tổng chiều dài 99km đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công vào tháng 7/2020. Khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian cũng như quãng đường đáng kể với Đồng Nai và TP.HCM.
Ngoài ra, du lịch Bình Thuận cũng đang trên đà phát triển mạnh, nhưng còn chưa xứng với tiềm năng bởi tốc độ tăng trưởng khách du lịch còn thấp so với trung bình của cả nước, trung bình hàng năm khoảng 12% đối với khách trong nước và 14% khách quốc tế.
Điều này được lý giải bởi hiện Bình Thuận còn thiếu cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ. Đến nay mới chỉ có khoảng 3.000 phòng khách sạn 4-5 sao, vì thế lượng phòng khách sạn cao cấp còn rất thiếu ở nơi được xem là “thiên đường du lịch” này.
Trong khi Mũi Né – Phan Thiết cũng là 1 trong 3 thành phố biển thu hút khách du lịch lớn nhất Việt Nam. Năm 2018, thành phố này đón gần 6 triệu lượt khách du lịch.
Chính vì thế, gần đây hàng loạt doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực địa ốc đã tìm đến Bình Thuận, rót hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào các dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn. Đơn cử như Tập đoàn Novaland hiện đang triển khai xây dựng 2 dự án gồm NovaWorld tại Phan Thiết với quy mô gần 1.000 ha với các sản phẩm như nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại, và dự án NovaHills Mũi Né Resort & Villas gần 40 ha, gồm khoảng 600 biệt thự đơn lập. Mức giá dự kiến từ 7,3 tỷ đồng/căn, diện tích từ 250 đến 300 m2.
Theo đại diện doanh nghiệp, NovaWorld Phan Thiết sẽ được triển khai trong 10 năm, trong đó giai đoạn 1 xây dựng trên diện tích 100 ha gồm các sản phẩm lưu trú. Dự án còn có 2 sân golf 18 lỗ, cụm chủ đề công viên nước, vườn thú, khu công viên biển 16 ha. Từ tháng 3, tập đoàn bắt đầu xây dựng công viên biển và sân golf. Novaland cũng đang lên kế hoạch triển khai thêm một dự án NovaWorl tại Mũi Né.
Bên cạnh Novaland, hàng loạt doanh nghiệp BĐS khác cũng tham gia cuộc đua vào Bình Thuận. Đơn cử như dự án Mũi Né Summer Land Resort quy mô hơn 31ha với 335 nhà phố, 251 căn nhà phố thương mại và 2300 phòng khách sạn,…của Công ty Hưng Lộc Phát cũng đang được xây dựng.
Hưng Thịnh Corp được xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào Bình Thuận khi đơn vị này hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn là chủ đầu tư dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Sentosa Villa diện tích gần 31ha. Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng cộng 530 căn biệt thự sở hữu vĩnh viễn.
Nhiều doanh nghiệp BĐS lớn ở phía Bắc cũng đang tìm đến Bình Thuận để tìm kiếm cơ hội, cũng như triển khai các dự án lớn. Đơn cử như Hải Phát Invest bắt tay với Hoàng Quân đầu dự án Trung tâm du lịch Hàm Tiến – Mũi Né với quy mô 198ha. Đây là dự án khu dân cư kết hợp phố đi bộ, khu phức hợp dịch vụ du lịch tài chính, giáo dục, thể thao phục vụ khách du lịch, khu du lịch biển sinh thái. Tổng vốn đầu tư xấp xỉ 10.000 tỷ đồng; Hay Apec Invest phát triển Apec Mandala Wyndham Mũi Né được xây dựng trên diện tích khoảng 4,5 ha, gồm khoảng 2.800 căn hộ condotel… Tổng giá trị đầu tư vào khoảng 15.000 tỷ đồng, hoàn thành dự kiến trong quý 2/2021…
Mới đây, Nam Group cũng vừa công bố triển khai đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng Thanh Long Bay tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận với quy mô lên tới 90ha.
Có thể thấy, chưa bao giờ thị trường bất động sản Bình Thuận lại sôi động như hiện nay. Với việc dòng vốn lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ vào đầu tư tại Bình Thuận là một cơ hội lớn cho giới đầu tư, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ. Việc giao dịch, chuyển nhượng nhà đất tại Bình Thuận thời gian qua liên tục trong tình trạng “nóng”, khiến giá đất tăng chóng mặt.
Bên cạnh những dự án của các tập đoàn lớn được đầu tư bài bản, phát triển bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương thì đâu đó vẫn còn những doanh nghiệp đầu tư manh mún, chộp giật…khiến thị trường nơi đây méo mó, thiếu tính bền vững.
Vì thế, gần đây chính quyền địa phương đã đã ra nhiều văn bản chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản không đúng quy định tại nhiều dự án BĐS, cũng như cảnh báo người dân thận trọng khi tham gia mua bán nhà đất tại địa phương này.